NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG LỐI SỐNG CHO SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

 

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy 

Bộ môn Lý luận Chính trị - Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên 

 

Tóm tắt: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần quyết định đối với quá trình xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam. Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản về nội dung và thực trạng giáo dục tư tưởng đạo dức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng đạo dức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam.

Từ khóa: Lối sống, sinh viên, đạo đức, giáo dục, hiệu quả

 

IMPROVE THE EFFECTIVENESS OF HO CHI MINH'S MORAL EDUCATION IN BUILDING A LIFESTYLE FOR VIETNAMESE STUDENTS TODAY

Summary: Studying and following Ho Chi Minh's ideology, morality and style in the current period will make a crucial contribution to the process of building lifestyle for Vietnamese students. The paper focuses on clarifying some basic issues about the content and current status of Ho Chi Minh's moral education in building a lifestyle for Vietnamese students, based on which some basic measures are proposed to improve the effectiveness of Ho Chi Minhist ideological education in building a lifestyle for Vietnamese students.

Key word: Life style, student, morality, education, effective

 

Nghiên cứu di sản lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể khẳng định, các giá trị trong tư tưởng đạo đức của Người để lại sẽ mãi là tài sản vô giá cho thế hệ mai sau. Vai trò của các giá trị này mang tính định hướng, là cơ sở cho việc chuẩn hóa các giá trị đạo đức và được hiện thực hóa trong xây dựng lối sống của con người Việt Nam nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng. Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên là hoạt động tích cực của chủ thể giáo dục nhằm tác động một cách có hệ thống các chuẩn mực và nguyên tắc đạo đức cách mạng cho sinh viên với mục đích hình thành ở sinh viên ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức, hành vi đạo đức phù hợp, với lối sống lành mạnh để họ có định hướng đúng về nhận thức và hành động trong quá trình phát triển hoàn thiện nhân cách.

Nội dung giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên tập trung vào: Giáo dục vị trí, vai trò đạo đức; tinh thần yêu nước, thương dân; cần, kiệm, liêm, chính; đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; yêu lao động, có ý thức tổ chức, kỷ luật và giáo dục tấm gương đạo đức. Các nội dung giáo dục này mang tính toàn diện, phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm, tâm lý của sinh viên, nhằm tạo ra một lớp thanh niên có lý tưởng, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh. Phương pháp tiến hành giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên được xác định: Học đi đôi với hành, nêu gương người tốt, việc tốt; kết hợp giữa xây dựng đạo đức mới và chống lại biểu hiện phi đạo đức; thông qua các phong trào thi đua do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức; hoạt động tự giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của sinh viên. Giáo dục là động lực, là con đường cơ bản nhất, ngắn nhất cho sự hình thành nhân cách, là cầu lối chuyển tải tri thức cho họ bước vào nền văn minh nhân loại. Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất” [6, tr. 190]. Bên cạnh việc tiếp nhận các nội dung của giáo dục với tư cách là đối tượng giáo dục, thì bản thân thanh niên, sinh viên với tư cách là chủ thể tự giáo dục phải luôn luôn cố gắng vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện để phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân. Người khuyên thanh niên: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” [3, tr. 95].

Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên hiện nay là một trong những biện pháp quan trọng giúp họ đứng vững trước sự tác động tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự chống phá của các thế lực thù địch. Những năm qua, công tác giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song vẫn còn tồn tại những hạn chế trong chính việc nhận thức và hoạt động của các chủ thể giáo dục, đó là việc tình trạng thiên về “dạy chữ” buông lỏng “dạy người” vẫn còn tồn tại. Tình trạng thiên về “dạy chữ” buông lỏng “dạy người” vẫn còn tồn tại. Phương pháp giáo dục nặng về áp đặt, chưa khuyến khích sự năng động, sáng tạo của người học. Thời lượng dành cho việc giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường ngày một ít dần so với mục đích yêu cầu đặt ra. Không ít sinh viên đang có xu hướng hướng ngoại, họ tiếp thu những giá trị phương Tây một cách ồ ạt mà không biết cách chọn lọc và một số sinh viên có xu hướng xem nhẹ học tập các giá trị truyền thống dân tộc, xem nhẹ việc tự giác rèn luyện, học tập, những tư tưởng, nội dung trong các chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chạy theo lối sống thực dụng, tuyệt đối hóa đồng tiền, sống buông thả, xa rời các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, sống tùy tiện, vô cảm, vi phạm pháp luật và sa vào các tệ nạn xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

          Một là, tạo sự chuyển biển tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên 

Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cần nhận thức đúng vị trí, vai trò và sự cần thiết phải giáo dục lối sống cho sinh viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có đường lối, chính sách đúng đắn trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng. Đảng phải tự đổi mới, tự nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình, khắc phục các khuyết điểm, biểu hiện tiêu cực và yếu kém, làm cho bộ máy của Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Trong đó, cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, qua đó để hoạt động nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, có hiệu quả. Có như vậy, lý tưởng, đường lối của Đảng mới trở thành niềm tin, mục tiêu phấn đấu của cả dân tộc nói chung và đối với thanh niên, sinh viên nói riêng.

Đối với nhà trường, trực tiếp là Ban Giám hiệu, các khoa, các phòng/ban cũng cần phải được giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác tổ chức giáo dục, bồi dưỡng lối sống cho sinh viên. Xem đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và quan trọng của các tổ chức có thẩm quyền trong các nhà trường. Cần phải đưa nhiệm vụ “dạy người”, giáo dục lối sống cho sinh viên vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, vào nhiệm vụ đào tạo của các khoa, giảng viên trực tiếp giảng dạy và đặc biệt cần quán triệt trong chương trình hành động của tổ chức Đoàn, Hội sinh viên trong mỗi trường.

Phát huy tốt vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của nhà trường trong việc tổ chức và thu hút sinh viên vào các phong trào chính trị, xã hội; chủ động đề ra các hoạt động và phong trào thi đua cho đoàn viên, sinh viên. Đoàn, Hội cần xây dựng nội dung, kế hoạch từng hoạt động cụ thể, tăng cường và thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục để các quan điểm của Đảng được quán triệt trong sinh viên. Chú trọng nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên gắn với đạo đức Hồ Chí Minh như: Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, của Đoàn; Tổ chức các lớp học, sinh hoạt chính trị, cuộc thi tìm hiểu học tập các môn Lý luận chính trị; đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2012 - 2030; kịp thời nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng nhận thức và hành động cho đoàn viên, sinh viên; tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc cho đoàn viên, sinh viên. Lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ. Tiếp tục đổi mới và phát triển các phong trào tình nguyện vì cộng đồng.

Đối với giảng viên: Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của giảng viên trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên. Bởi vì, đạo đức của người giảng viên ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, đạo đức của sinh viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, trong nhà trường, “thầy giáo phải làm kiểu mẫu cho các cháu” [4, tr. 345], bởi vì: “Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy giáo xấu thì ảnh hưởng xấu” [5, tr. 269]. Muốn vậy, cần phải tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để cho giảng viên được học tập, lao động và cống hiến. Nhà nước cần có chính sách động viên, khuyến khích kịp thời, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần. Bản thân giảng viên phải có nhận thức đúng về vai trò của giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên, phải tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Phát huy được vai trò của gia đình trong việc giáo dục đối với con cái, điều này đòi hỏi phải xây dựng gia đình văn hóa, các thành viên cần ý thức đầy đủ trách nhiệm và bổn phận của mình, luôn tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Trong giáo dục hình thành nhân cách cần phải có thái độ nghiêm khắc nhưng cũng cần tôn trọng nhân cách của con cái, cha mẹ phải gần gũi, thường xuyên quan tâm, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con mình, trên cơ sở đó có biện pháp giáo dục đúng đắn, kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức và hành vi của các con. Ngoài ra, cần có sự kết hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội đối với việc giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên.

Hai là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nội dung và thực hiện đa dạng hóa hình thức giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên 

Giáo dục là phương thức quan trọng để phát huy giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng lối sống cho sinh viên. Thông qua giáo dục, sinh viên nhận thức một cách khoa học các giá trị, chuẩn mực về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Việc đổi mới phương hướng giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên cần tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh việc chuẩn hóa các phẩm chất đạo đức trong xây dựng lối sống cho sinh viên theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đặc thù của từng ngành, từng trường, từng lĩnh vực. Nâng cao nhận thức của các chủ thể giáo dục về tầm quan trọng của giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin và đặc biệt là môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc giảng dạy các môn học này sẽ góp phần quan trọng để xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho sinh viên trong quá trình tiếp thu những giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là yếu tố then chốt trong quá trình hình thành lối sống của sinh viên, từ đó hướng họ tới cái đúng, cái thiện, cái đẹp, giúp sinh viên nhận thức đúng về mục đích sống, lý tưởng sống, nhận thức được những giá trị văn hóa nào là giá trị đích thực, biết đấu tranh với những cái phản giá trị, sống có lý tưởng và đạo đức cách mạng. Cần bổ sung, hoàn thiện các kiến thức lý luận, cập nhật thông tin phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước và tình hình quốc tế. Giảng viên phải có kiến thức sâu, rộng ở nhiều lĩnh vực, phải gắn lý luận với giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Thực hiện tốt nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành”. Chống lối dạy tầm chương trích cú mang tính sách vở, xa rời cuộc sống. Lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức và giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong các môn học Mác - Lênin, các môn khoa học khác vào trong các hoạt động của nhà trường như hoạt động văn nghệ, thể thao, các phong trào do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức. Đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt”… qua đó “bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam” [1, tr. 106].

Ba là, tích cực hóa nhân tố chủ quan của sinh viên trong việc tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng lối sống của họ 

Với tinh thần “Việc học phải lấy tự học làm cốt”. Trong điều kiện hiện nay, để nâng cao quá trình tự giác rèn luyện, tự giác học tập, tiếp thu các giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên, cần thực hiện các nội dung, biện pháp như: Bản thân mỗi sinh viên phải nhận thức được việc tự giáo dục, tự rèn luyện về đạo đức, lối sống là con đường phát triển suốt đời của mỗi con người. Hình thành cho sinh viên động cơ học tập đúng đắn, ý thức tự giác cao, biết tự vấn lương tâm, có ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên, phải biết xấu hổ và kiên quyết đấu tranh với những thói hư, tật xấu của bản thân mình. Sinh viên phải biết tự xây dựng kế hoạch học tập và quyết tâm thực hiện kế hoạch đó một cách nghiêm túc để biến những tri thức đã được học thành sự hiểu biết của bản thân, thành tình cảm, niềm tin đạo đức và được thể hiện ở hành vi đạo đức của chính mình. Phải có lòng nhân ái, đức bao dung, vị tha, biết quan tâm và giúp đỡ người khác, biết cho đi để được nhận lại, cần rèn luyện thái độ nghiêm khắc với chính bản thân mình. Luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình.

Tính tự giác, tích cực học tập và rèn luyện của mỗi sinh viên phải được thể hiện ở tinh thần ham học tập, cầu tiến bộ, sinh viên cần nhận thức rõ học tập để tiến bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, suốt đời và kiên quyết “đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người” [2, tr. 127]. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường cần đề ra các cơ chế khen thưởng động viên đối với những sinh viên học tập chăm chỉ, những gương sáng trong học tập, nghiên cứu khoa học, biểu dương những hành vi, lối sống tốt đẹp của sinh viên, tham gia tốt phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng xây dựng môi trường xã hội, trực tiếp là môi trường học đường lành mạnh tạo điều kiện tốt cho việc giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay. Việc sinh viên được sống trong môi trường xã hội, môi trường học tập lành mạnh sẽ tác động trực tiếp đến việc hình thành lối sống theo kỷ cương pháp luật.

 

* Ghi chú:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
  3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội.
  4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội.
  5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội.
  6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, Hà Nội.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn