TÌM HIỂU PHONG CÁCH LÀM VIỆC QUẦN CHÚNG CỦA HỒ CHÍ MINH VÀ VẬN DỤNG VÀO CÔNG TÁC ĐOÀN THANH NIÊN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP THÁI NGUYÊN

TÌM HIỂU PHONG CÁCH LÀM VIỆC QUẦN CHÚNG CỦA HỒ CHÍ MINH VÀ VẬN DỤNG VÀO CÔNG TÁC ĐOÀN THANH NIÊN TẠI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP THÁI NGUYÊN

Tác giả số 1: ThS.Trương Vũ Long   Đơn vị: Bộ môn Lý luận Chính trị, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên (Sdt: 0977 559 588 – Email: truongvulong1988@gmail.com)

Tác giả số 1: ThS.Nguyễn Nam Hưng   Đơn vị: Bộ môn Lý luận Chính trị, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên (Sdt: 0979 319 204 – Email: namhung1987@gmail.com)

 

  1. I.                   Mở đầu

Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam - vị cha già dân tộc – danh nhân văn hóa Thế giới đồng thời là một người cán bộ, người đảng viên mẫu mực, suốt đời tận tụy vì nhân dân, vì đất nước. Hồ Chí Minh là con người hiện thân cho một xã hội mới - xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.  Hơn 30 năm bôn ban nước ngoài với tinh thần cầu thị, cầu tiến, Người tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới trên quan điểm tự do, bình đẳng, bác ái, đã hình thành một nhân cách đạo đức mà nhà thơ Xô viết Ôxíp Manđenxtam đã từng nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”.

Sau khi cùng dân tộc đánh đuổi được đế quốc, thực dân, bước đầu xây dựng một xã hội mới, với tư cách là một cán bộ, đảng viên, trên cương vị người đứng đầu, Hồ Chí Minh đã đưa thứ văn hóa của tương lai vào công tác quản lý xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân. Trong quá trình này, cùng với những phẩm chất vốn có, Người đã bổ sung thêm rất nhiều kinh nghiệm vào triết lý, tư tưởng, hành động của mình và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cán bộ đương thời.

Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Một trong những phong cách nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đảng ta yêu cầu cán bộ, đảng viên cần phải học tập và làm theo, đó là phong cách quần chúng, gần dân, sát dân, lắng nghe dân, yêu thương dân hết mực, làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của nhân dân, lợi ích của đất nước.

  1. II.   Nội dung
  2. 1.      Một số nét cơ bản trong phong cách làm việc quần chúng của Hồ Chí Minh

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một nội dung, bộ phận quan trọng hợp thành hệ thống chỉnh thể phong cách của Người; là một trong những di sản vô giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là lề lối, cung cách, cách thức làm việc có tính khoa học, mang đặc trưng riêng của Hồ Chí Minh, được thể hiện chủ yếu trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của Người nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng.

 Thấu hiểu vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và coi quần chúng không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của cách mạng, Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có tác phong quần chúng.

Trước hết, người cán bộ phải gần gũi quần chúng, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của quần chúng. Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê bình những cán bộ cậy thế ở trong ban này, ban nọ rồi coi khinh dân, lên mặt với dân. Người cũng phê phán lối lãnh đạo quan liêu, chỉ đạo phong trào trên giấy tờ. Người yêu cầu người cán bộ phải thường xuyên đi xuống cơ sở mà mình phụ trách, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Ngược lại, nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”[1]. Tuy nhiên, lắng nghe quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng”“trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”[2].  Người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng “chậm tiến”, vừa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.

Tiếp đến, người cán bộ phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của  quần chúng.  Người phê phán mạnh mẽ lối lãnh đạo quan liêu, áp đặt. Người nói: “Nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”… Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”[3]. Người cán bộ không được phép cứng nhắc mà phải căn cứ vào thực tế để đề nghị cấp trên điều chỉnh quy tắc, kế hoạch chưa hợp lý. Hồ Chí Minh còn chỉ ra cách thức làm nghị quyết và làm công tác chỉnh đốn cán bộ như sau: “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”[4]. Người cán bộ còn phải biết dựa vào quần chúng, biết phát huy sức mạnh của quần chúng để triển khai công việc và hoàn thành công việc. Tóm lại, “cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo… của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”[5].

Thứ nữa, trong công tác và trong sinh hoạt, người cán bộ phải giản dị, hòa đồng với quần chúng, không cho phép mình hưởng điều gì có tính chất “đặc quyền, đặc lợi”. Người cảnh tỉnh những suy nghĩ lệch lạc trong cán bộ , rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện. Nói thế hết sức sai. Muốn có oai tín thể diện, thì phải làm việc cho giỏi. Nếu ăn mặc bảnh, mà được oai tín thể diện, thì mấy chàng Sở Khanh chẳng nhiều oai tín lắm ư?[6] Mà Hồ Chủ Tịch, quanh năm bốn mùa, chỉ mặc một bộ áo vải ka ki cũ, mỗi ngày có rau ăn rau, có mắm ăn mắm. Như thế, Người chẳng mất oai tín thể diện đi sao? Suốt đời, Vị Chủ tịch kính yêu của nhân dân Việt Nam đã sống một cuộc đời thanh bạch đến khắc khổ bởi cho rằng, khi đời sống của nhân dân còn khó khăn mà người cán bộ lại hoang phí thì “hoang phí là tội ác”.

Khi người cán bộ thấm nhuần tác phong quần chúng, họ sẽ được quần chúng nhân dân yêu thương, tin cậy, ủng hộ và khi đó, việc gì họ làm cũng thành công.

  1. 2.      Thực trạng công tác đoàn thanh niên tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp là một tổ chức chính trị - xã hội, là trường học xã hội chủ nghĩa của sinh viên, là đơn vị trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu trong việc thực hiện nhiệm vụ tập hợp, tổ chức, giáo dục và rèn luyện đoàn viên, sinh viên trong Nhà trường. Gắn liền với truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường, Đoàn Thanh niên không ngừng trưởng thành và phát triển, đã có những đóng góp quan trọng cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên, sinh viên và đặc biệt đối với quá trình xây dựng Nhà trường về mọi mặt.   

Từ khi thành lập đến nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp đã trải qua 13 nhiệm kì với nhiều thành tích quan trọng; Hiện nay Đoàn trường có 10 Liên chi đoàn, 01 chi đoàn trực thuộc với tổng số 8.520 đoàn viên.

   Thực hiện nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn Thanh niên, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và Đoàn cấp trên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp đã tạo môi trường rèn luyện và định hướng hoạt động, chính trị cho sinh viên nhà trường, giúp Đoàn viên rèn luyện và trưởng thành về mặt tư tưởng chính trị. đồng thời tạo điều kiện để sinh viên tham gia các hoạt động xã hội góp sức vì sự phát triển của cộng đồng, của đất nước.  

Trong quá trình hoạt đồng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp đã đạt được một số thành tích đáng kể:

- Bằng khen của Trung ương Đoàn vì đã có thành tích xuất sắc năm học 2011 – 2012, 2012 – 2013.

- Bằng khen của Trung ương Đoàn vì đã có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2009-2012, 2012-2014

- Bằng khen của Trung ương Đoàn vì đã có thành tích xuất sắc trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2012, 2014

- Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Hiến máu tình nguyên các năm 2011, 2012, 2014

   Bên cạnh những việc đã làm được, TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, những hạn chế này cũng là những vấn đề chung mà công tác đoàn thanh niên ở nhiều đơn vị gặp phải, cụ thể:

Thứ nhất, về đội ngũ cán bộ, có không ít những cán bộ đoàn chưa thực sự nhiệt huyết trong công tác đoàn, chưa đi sâu vào đời sống của đoàn viên - sinh viên, chủ yếu thực hiện những việc từ đoàn cấp trên giao xuống để hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí có nhưng cán bộ đoàn coi việc thực hiện công việc là sự bắt buộc, miễn cưỡng, thực hiện qua loa để báo cáo cấp trên. Cũng có không ít cán bộ chỉ nắm được con số thống kê, không biết rõ tình hình thực tế của đơn vị mình. Trong rất nhiều hoạt động không thấy cán bô thực sự xông xáo, hòa mình vào phong trào. Đây là biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, mà quần chúng ở đây chính là các đoàn viên.

Thứ hai, về công tác tổ chức các phong trào. Chính từ những biểu hiện quan liêu, không đi sâu, đi sát vào đời sống của đoàn viên - sinh viên, việc tổ chức các hoạt động phong trào, các chương trình hành động còn mang nặng tính hình thức, chồng chéo lẫn nhau và không mang lại hiệu ứng cao. Có quá nhiều phong trào diễn ra liên tục, không giải quyết được những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống của đoàn viên - sinh viên. Đôi khi những phong trào được lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch dựa vào những quyết định của một số cán bộ đoàn chủ chốt, không thực sự xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo đoàn viên - sinh viên. Trên thực tế chưa có nhiều hoạt động hướng đến những vấn đề này sinh trong thực tiễn học tập và rèn luyện của đoàn viên - sinh viên. Những hoạt động chủ yếu vẫn diễn ra tuần tự vào những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn mang nặng tính hình thức, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch. Thậm chí nhiều hoạt động mang tính chữa cháy, bổ xung vào cho nhiều thành tích. Điều này dẫn đến thực trạng các hoạt động không thu hút được đoàn viên - sinh viên tham gia, hoặc tham gia với tư tưởng chống đối, bắt buộc.

Thứ ba, việc tổ chức các hoạt động mang nặng tính hình thức, nhiều thủ tục, giấy tờ, qua nhiều khâu trung gian làm mất tính kịp thời trong các hoạt động. Có những nhu cầu rất chính đáng, rất ý nghĩa, nảy sinh trong thực tiễn, nhưng để hoạt động diễn ra cần đầy đủ kế hoạch, đơn từ, giấy tờ đã làm triệt tiêu ý nghĩa của phong trào.

Thứ tư, có quá ít những hoạt động nhỏ do các tổ chức đoàn ở cơ sở như cấp chi đoàn, liên chi đoàn,… Điều này xuất phát từ việc các cán bộ đoàn ở cơ sở chưa thực sự nhiệt tình trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên cở các chi đoàn, cùng với việc phải xây dựng kế hoạch, báo cáo chi tiết, cùng với rất nhiều thủ tục và sự thể hiện vai trò của nhiều tổ chức khác nên hoạt động khó thành hiện thực. Hoạt động của các câu lạc bộ, các nhóm sở thích còn lẻ tẻ, chưa có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, từ đó không có tính quần chúng, không thu hút được đông đảo đoàn viên - sinh viên.

  1. 3.      Vận dụng phong cách làm việc quần chúng của Hồ Chí Minh trong công tác Đoàn Thanh niên tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên

      Từ thực tiễn, những vấn đề còn tồn tại, cần được khắc phục trong thực trạng công tác Đoàn Thanh niên của trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đồng thời quán triệt tinh thần của hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tác giả đề xuất một số phương hướng và giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, để tránh tình trạng cán bộ quan liêu, xa rời phong trào, xa rời đoàn viên - sinh viên, cần phải có những hình thức đánh giá, tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ không nên dựa vào thành tích báo cáo qua các con số mà cần phải dựa vào sự tin tưởng, ý kiến của đông đảo đoàn viên sinh - viên một cách công khai và minh bạch. Cán bộ đoàn cần phát huy tối đa nguyên tắc dân chủ trong các hoạt động của đoàn, tập hợp nguyện vọng của đông đảo đoàn viên - sinh viên, lấy ý kiến của đoàn viên - sinh viên làm phương hướng xây dựng kế hoạch hành động, mọi mục tiêu đều vì đoàn viên, sinh viên.

Trong việc lựa chọn bầu ra những cán bộ đoàn, đặc biệt là những cán bộ chủ chốt cần tìm những cá nhân nổi bật, trưởng thành từ các phong trào đoàn, có đời sống gần gũi, gắn bó mật thiết với đoàn viên, sinh viên. Muốn lựa phát hiện, lựa chọn đúng những cá nhân xuất sắc để bổ sung vào đội ngũ cán bộ thì người đứng đầu các tổ chức đoàn cũng cần phải đi sâu, đi sát vào đời sống của đoàn viên - sinh viên, thâm nhập và trực tiếp chỉ đạo những chương trình hành động, những phong trào của đoàn thanh niên.

Trong mọi hoạt động phong trào, cán bộ đoàn phải là người đi đầu, gương mẫu, trực tiếp tham gia vào các công việc củ thể, chỉ đạo sát sao, cùng chia sẻ  công việc với đoàn viên - sinh viên. Là chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên - sinh viên khi họ gặp những vấn đề khó khăn, cấp bách, không được thờ ơ, bàng quan trước những vấn đề của đoàn viên – sinh viên. Các cán bộ đoàn cần tránh tư tưởng xa rời đoàn viên, tránh tư tưởng đặc quyền đặc lợi, coi trọng hình thức và coi trọng oai danh. Cán bộ đoàn cần xây dựng uy tín của mình dựa trên sự đánh giá của đoàn viên - sinh viên chứ không phải thể hiện mình với cấp trên để được hưởng quyền lợi.

Để các phong trào thực sự xác đáng, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo đoàn viên - sinh viên, cán bộ đoàn cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm tình hình đời sống của đoàn viên - sinh viên, động viên, khuyến khích những ý tưởng tốt, nuôi dưỡng và kịp thời mở rộng quy mô, từ những hoạt động nhỏ trở thành những hoạt động lớn. Tránh sự cứng nhắc trong quá trình tổ chức các hoạt động, đơn giản các thủ tục giấy tờ, tạo điều kiện cho các hoạt động nhỏ từ cấp chi đoàn đến các cấp cao hơn. Trên cơ sở những ý tưởng xuất phát từ đời sống của đoàn viên - sinh viên, các cán bộ đoàn thể hiện vai trò kết nối, hướng dẫn và tạo mọi địa bàn thuận lợi cho phong trào có ý nghĩa chính đáng được trở thành hiện thực.

Thứ hai, các phong trào, các chương trình hoạt động của Đoàn Thanh niên đều phải xuất phát từ thực tiễn của đoàn viên – sinh viên, phục vụ lợi ích của đoàn viên- sinh viên. Tích cực xây dựng những phong trào mang tính quần chúng, gần gũi, liên quan trực tiếp đến những vấn đề của đời sống đoàn viên là sinh viên như: Các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, học tập, các phong trào tình nguyện tại chỗ, giúp đỡ những đoàn viên – sinh viên gặp khó khăn, tổ chức các diễn đàn dành cho chính đoàn viên – sinh viên để họ được nói lên ý kiến của mình, những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp,… Cần lựa chọn các hoạt động phù hợp với xu hướng của giới trẻ, khéo léo kết hợp, lồng ghép những nội dung mang tính giáo dục chính trị tư tưởng. Không cần tổ chức quá nhiều hoạt động, tránh sự chồng chéo và nhàm chán, các hoạt động có thể không nhiều nhưng phải mang tính độc đáo, dễ tham gia, hoạt động phải gắn với vai trò của đông đảo đoàn viên – sinh viên, cho họ thấy được công sức của họ trong hoạt động và kịp thời ghi nhận điều đó. Khuyến khích các phong trào do đoàn viên – sinh viên tự tổ chức hướng dẫn, uốn nắn kịp thời nếu phong trào đó chưa tốt, động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ nếu phong trào mang tính tích cực. Vì chỉ có những hoạt động xuất phát từ đời sống quần chúng mới thật sự phục đúng nguyện vọng của quần chúng.

Để công tác Đoàn Thanh niên của trường phát huy hiệu quả thật sự, cần phải có sự vận động liên tục của các cán bộ đoàn và các tổ chức đoàn nhằm theo kịp sự vận động của xã hội, việc học tập và làm việc theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh là một việc làm thiết thực, đúng đắn, nếu thực hiện nghiêm túc, chắc chắn đem lại hiệu quả tốt. Cần phải vận dụng nhiều vấn đề trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh một cách thường xuyên, liên tục, yếu ở đâu sửa ở đó. Đoàn Thanh niên là do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và đào tạo, là trường học Xã hội chủ nghĩa, nên đây cần phải là bộ phận đi đầu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

 

  1. III.      Kết luận

Hồ Chí Minh là người đã hóa thân một cách toàn vẹn và trọn vẹn vào trong quần chúng nhân dân. Hồ Chí Minh là người thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí để không ngừng thực hành dân chủ của nhân dân. Nhân dân Việt Nam từ người già đến trẻ, thuộc mọi tầng lớp, dân tộc dù ở trong nước hay đang sinh sống tại nước ngoài thuộc mọi thế hệ đều gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng Bác Hồ. Với phong cách quần chúng, tác phong gần dân, Người đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Tác phong đó làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc, tạo nên sức hút kỳ lạ. Vì vậy, mọi người có thể nói hết những trăn trở, suy nghĩ của mình, còn với Người qua đó có thể hiểu được thực tế cuộc sống của nhân dân, để từ đó đưa ra những chủ trương đúng đắn hợp với lòng dân, tạo nên sự phát triển của đất nước. Ngày nay, mỗi người cán bộ cần phải coi Hồ Chí Minh như một hình mẫu cho bản thân học tập, coi phong cách Hồ Chí Minh như là chìa khóa, kim chỉ nam cho quá trình phấn đấu vì lợi ích của xã hội, của tập thể và chính bản thân.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.5, tr 326.

 

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.336.

 

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr 288.

 

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.337 – 338.

 

[5] Hồ Chí Minh: Toàn  tập, Sđd, t.5, tr.288.

 

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.241.

 

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn