PHONG CÁCH TRUYỀN ĐẠT CỦA HỒ CHÍ MINH VÀ VẬN DỤNG VÀO CÔNG TÁC GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP THÁI NGUYÊN

Tác giả: Trương Vũ Long

Đơn vị: Bộ môn Lý luận Chính trị – Đại học Kỹ thật Công nghiệp Thái Nguyên

Địa chỉ: Bộ môn Lý luận Chính trị, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, đường 3/2, Phường Tích Lương, TP. Thái Nguyên – ĐT: 0977 559 588

Tóm tắt bài viết

Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, được Đảng ta phát động, tổ chức thực hiện rộng rãi trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cuộc đời đấu tranh và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong cách truyền đạt hết sức giản dị, gần gũi, vừa mang tính đại chúng, tính nhân dân rộng rãi, dễ tiếp thu lại vừa chứa đựng lượng thông tin chính xác, cần thiết và vô cùng sâu sắc. Chính vì vậy việc nghiên cứu học tập phong cách truyền đạt Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn đặc biệt với công tác giáo dục và đào tạo. Có thể tóm gọn những yếu tố làm nên phong cách truyền đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những nét cơ bản, đó là: Hình ảnh của tấm gương mẫu mực, sự thấu hiểu và hòa đồng với đối tượng cần truyền đạt và nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Để tiếp tục phát huy những thành tự đã đạt được trong công cuộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã quán triệt sâu rộng chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, quyết tâm xây dựng Nhà trường phát triển bền vững. Việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang diễn ra trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của Nhà trường, trong đó quan trọng nhất là việc đổi mới phương pháp dạy và học. Nghiên cứu, học tập và vận dụng phong cách truyền đạt của Hồ Chí Minh vào công tác giảng dạy là vấn đề hết sức thiết thực.

Từ khóa: Phong cách, truyền đạt, Hồ Chí Minh, đại chúng, đối tượng, ngôn ngữ

 

Tóm tắt bài viết (Tiếng Anh)

HO CHI MINH’S IMPARTING STYLE AND THE APPLICATION TO THE WORK OF TEACHING AT THAI NGUYEN UNIVERSITY OF TECHNOLOGY

Learning and following Ho Chi Minh’s thoughts, morals and style has been a crucial policy generated and practiced in the political system and the whole society by the Communist Party of Vietnam. Throughout his life fighting for the independence and the freedom of Vietnamese people, Ho Chi Minh left us a priceless spiritual heritage that is Ho Chi Minh’s thoughts, morals and style. During his lifetime, Ho Chi Minh possessed a very simple, yet effective imparting style. The style is socially-oriented but conveys specific, essential and profound meanings. Because of that, “Learning and following Ho Chi Minh's thoughts, morals and style” takes a special meaning, especially in the work of teaching and training. The style is characterized by the following features: the moral example, the understanding, the sociability to the people imparted, and the art of utilizing language. That is the highly valuable lesson left for our generation, especially for the young. In order to continue bringing into play the current achievements in the “Learning and following Ho Chi Minh's thoughts, morals and style” campaign, Thai Nguyen University of Technology has been fully aware of the Instruction 5 of the Political Bureau, which is “Promoting Learning and following Ho Chi Minh's thoughts, morals and style campaign”, being determined to contribute to the development of the university. “Learning and following Ho Chi Minh's thoughts, morals and style” has been put into practice in aspects of the university; most importantly that is the renovation of the method of teaching and learning. Studying and applying Ho Chi Minh’s imparting style into the work of teaching is obviously practical.

Key words: Style, imparting, Ho Chi Minh, socially-oriented, people, language

Nội dung bài viết


Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, được Đảng ta phát động, tổ chức thực hiện rộng rãi trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu, có tác dụng tích cực trong xã hội, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với đường lối xây dựng con người mới, nền văn hóa mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong cách truyền đạt hết sức giản dị, gần gũi, vừa mang tính đại chúng, tính nhân dân rộng rãi, dễ tiếp thu lại vừa chứa đựng lượng thông tin chính xác, cần thiết và vô cùng sâu sắc. Chính vì vậy việc nghiên cứu học tập phong cách truyền đạt Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn đặc biệt với công tác giáo dục và đào tạo.

Phong cách truyền đạt của Hồ Chí Minh 

Phong cách là cái riêng, cái độc đáo, có tính hệ thống, trở thành nền nếp ổn định của một người hoặc một lớp người, được thể hiện trong các mặt của cuộc sống. Như vậy, phong cách không phải là tính bẩm sinh, mà được hình thành qua sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi và định hình trong quá trình sống của con người.  Phong cách Hồ Chí Minh là những nét riêng của Người trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, vô cùng cao thượng của một người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất và được rèn dũa qua nhiều năm tháng gian khổ, hy sinh để dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp, giải phóng con người. Trong đó, phong cách truyền đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ tính độc đáo: ngắn gọn, rõ ràng, hấp dẫn, đại chúng và sâu sắc. Có thể tóm gọn những yếu tố làm nên phong cách truyền đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những nét cơ bản, đó là: Hình ảnh mẫu mực của người truyền đạt, sự thấu hiểu và hòa đồng với đối tượng cần truyền đạt và nghệ thuật sử dụng ngôn từ.

Để có thể truyền đạt một cách hiệu quả, trước hết bản thân người truyền đạt phải là một tấm gương sáng, nói đi đôi với làm. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương trong mọi lĩnh vực, mọi góc cạnh của đời sống. Người là một nhà tư tưởng cấp tiến, luôn tiêp thu chọn lọc những tư tưởng tiến bộ của nền văn minh thế giới, ra sức bài trừ những tư tưởng tiêu cực, có hại cho dân tộc. Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa thế giới, tấm gương tự học lớn cho mọi thế hệ noi theo, chưa kể Người là một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, một con người hết mực yêu nước, thương nòi.

“Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác” – Usinxki

Thấu hiểu và hòa đồng với đối tượng cần truyền đạt là yếu tố quyết định thành công của quá trình truyền đạt thông tin. Trong phong cách giao tiếp của Hồ Chí Minh dường như chúng ta không thấy một ranh giới nào ngăn cách nào giữa Người và đối tượng tiếp nhận thông tin. Trong mỗi buổi nói chuyện, mỗi cuộc gặp gỡ của Người với quần chúng nhân dân, chúng ta đều thấy một con người rất đỗi thân thương và gần gũi như một người ông, người cha và một người bạn thân thiết. Sự gần gũi đó được tạo ra không chỉ bởi sự mộc mạc chất phác ở vẻ bề ngoài mà trên hết là ở chính lối truyền đạt dân dã, giản dị của người. Chính yếu tố này cũng quyết định sự thành công trong công tác dân vận của người.

Tuy hội tụ đầy đủ phẩm chất của một chính khách vĩ đại, nhưng cuộc sống đời thường của Hồ Chí Minh lại rất đỗi giản dị, gần gũi như bao con người khác trong xã hội. Có thể nói, chúng ta thấy mỗi con người Việt Nam trong Hồ Chí Minh và thấy đôi nét của Hồ Chí Minh trong mỗi con người Việt Nam. Hơn 30 năm bôn ba, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, gặp gỡ và giao tiếp với nhiều người, kinh qua nhiều vị trí công việc, Hồ Chí Minh đã tự hình thành cho mình một trong kỹ năng hết sức quan trọng đối với việc giao tiếp và truyền đạt thông tin, đó là hiểu đúng đối tượng cần truyền đạt. Người có thể biết mỗi một đối tượng, họ cần nghe gì, phải làm thế nào để họ muốn nghe và lắng nghe một cách dễ chịu nhất, nhanh chóng và đầy đủ nhất.

“Sự thành công trong cách ứng xử với người khác phụ thuộc vào việc nắm được góc nhìn của người khác với thái độ cảm thông”. - Dale Carnegie

Ngoài kỹ năng xác định đúng và thấu hiểu đối tượng cần truyền đạt Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ. Người là một nhà văn, nhà báo kiệt xuất, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình người đã để lại một di sản văn học đồ sộ với hàng trăm tác phẩm, nói riêng về thơ, Người đã sáng tác hơn 250 bài với nhiều thể loại bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chính vì vậy, đối với mỗi đối tượng được truyền đạt thông tin, Người lại có một cách sử dụng ngôn ngữ khác nhau, nhưng hầu hết đều rất ngắn gọn, dễ hiểu mà vẫn giữ được chính xác nội dung cần truyền đạt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu quý thiếu niên, nhi đồng, trong Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam (15/5/1941 - 15/5/1961), theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ bản thảo của bức thư đó. Trong thư Bác căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh,

Thật thà, dũng cảm”.

Nhưng trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ là loại sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 - 1965 thì 5 điều Bác dạy trên đây lại được in hoàn chỉnh là:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt,

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

(Chữ “thật tốt” và chữ “khiêm tốn” được bổ sung vào 2 câu cuối, nên mỗi câu đều có 6 chữ).

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Sở dĩ như vậy vì gần đến cuối năm 1965, để chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học, Bác thấy 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng từ năm 1965 trở về trước, 3 câu đầu mỗi câu có 6 chữ còn 2 câu cuối mỗi câu chỉ có 4 chữ, như vậy không cân đối. Bác đã suy nghĩ và bổ sung thêm cho mỗi câu đủ 6 chữ.”

Dẫn chứng trên cho chúng ta thấy một phong cách sử dụng ngôn từ cực kỳ chau chuốt và tỉ mỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫu đó là với đối tượng thiếu niên, nhi đồng. Điều này đã phát huy hiệu quả rất tốt, chứng minh bằng việc đến nay, những lời căn dặn đó của Người đều in sâu trong mỗi thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Những lời dạy này được vang lên trong trường học, trong những sân chơi, trong những câu chuyện của trẻ con như một bài đồng dao.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm tốt đẹp cũng như thời gian, công sức, trí tuệ của mình để giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961 người đã nói:

“Bác rất yêu quý thanh niên! Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng. Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”.

Chúng ta có thể thấy sự gần gũi ngay từ lời đầu tiên khi Người nói chuyện với thanh niên, một cách truyền đạt vô cùng giản dị, pha chút hóm hỉnh rất phù hợp với thế hệ trẻ. Chỉ bằng vài lời ngắn gọn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến các bạn thanh niên hiểu ngay những tâm tư tình cảm cũng như nguyện vọng của mình đối với họ và đồng thời cũng làm cho thanh niên thấy được Người thực sự ghi nhận vai trò của họ đối với nước nhà.

Người dạy thanh niên:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

(Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951)

Những lời dạy vô cùng sâu sắc gói gọn trong một lượng ngôn từ rất tiết kiện, hầu hết đó đều là những ngôn từ rất đời thường nhưng gần như không thể thay thế. Những ngôn từ như chạm đến lòng tự trọng, đến tâm lý hăng hái của tuổi trẻ, không mang tính áp đặt mà lại không thể bỏ qua.  Ngày nay những lời dạy của Người đã trở thành khẩu hiệu, vang lên trong nhiều bài hát, trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần của các lớp thế hệ thanh niên.

Qua những dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy được một cách rõ nét những yếu tố làm nên phong cách truyền đạt của Hồ Chí Minh. Để xây dựng một phong cách truyền đạt đã đạt đến tầm nghệ thuật như vậy cần có cái tâm, cái tầm và cái tài. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một tâm nguyện duy nhất đó là làm sao cho dân ta được độc lập, được tự do và hành phúc. Cũng chính bởi mục đích cao cả đó mà Người đã không ngại gian khổ đem ý chí để rèn luyện chính bản thân mình để tạo nên một phong cách của con người của thời đại mới. Tấm gương rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chứng minh rằng, tài năng không chỉ do trời phú mà phần nhiều quyết tâm học hỏi, đúc rút kinh nghiệm mà nên. Phong cách truyền đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua giới hạn của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đơn thuần, trở thành một nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào lòng người đọc, người nghe. Đây chính là những bài học quý báu mà Người đã để lại cho các thế hệ mai sau, nhất là thế hệ trẻ chúng ta bây giờ.

            Vận dụng phong cách truyền đạt của Hồ Chí Minh vào công tác giảng dạy tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên

Trong những năm qua, với việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị khoá XI "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trường Đại học Kỹ Thuật Công Nghiệp Thái Nguyên đã có những thay đổi tích cực trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo thông qua việc đẩy mạnh tự bồi dưỡng nâng cao trình độ đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bài trừ các vấn đề tiêu cực trong Nhà trường.

Để tiếp tục phát huy những thành tự đã đạt được trong công cuộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nhà trường đã quán triệt sâu rộng chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, quyết tâm xây dựng Nhà trường phát triển bền vững. Việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang diễn ra trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của Nhà trường, trong đó quan trọng nhất là việc đổi mới phương pháp dạy và học. Nghiên cứu, học tập và vận dụng phong cách truyền đạt của Hồ Chí Minh vào công tác giảng dạy là vấn đề hết sức thiết thực.

Qua những bài học rút ra từ việc phân tích phong cách truyền đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể vận dụng vào công tác giảng dạy tại Trường như sau:

Đối với giàng viên, những người đóng vai trò là người hướng dẫn, truyền đạt chính cho sinh viên trong quá trình học.

Đối với đội ngũ giảng viên cần xây dựng một hình ảnh người thầy có nhân cách tốt, là tấm gương đạo đức mẫu mực, người thầy cần phát huy hơn nữa lòng nhiệt huyết với tinh thần tất cả vì sinh viên thân yêu, tất cả vì sự phát triển chung của Nhà trường. Ngoài việc rèn luyện đạo đức, người thầy cần không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ là tấm gương về việc học tập cho sinh viên. Việc xây dựng hình ảnh người thầy chuẩn mực có tác dụng rõ rệt đến quá trình truyền đạt những kiến thức trên lớp hay những hoạt động giáo dục khác.

Ngoài việc xây dựng hình ảnh, người thầy cần phải thâm nhập vào đời sống sinh viên, từ đó nắm được tâm tư, tình cảm của sinh viên, thấu hiểu được những nhu cầu của sinh viên để trả lời những câu hỏi: Sinh viên họ cần được dạy điều gì? Cần dạy như thế nào? Cần dạy bao nhiêu? ..v.v.. Qua việc gần gũi với sinh viên, người thày không những xóa bỏ được khoảng cách với sinh viên mà còn có cơ hội học hỏi những điều tích cực từ sinh viên, qua đó có thể tìm những phương pháp phù hợp nhất, hiệu quả nhất trong việc truyền đạt kiến thức.

Người thày cần lựa chọn những hình thức biểu đạt sau cho hiệu quả nhất, lựa chọn ngôn từ, lựa chọn hình ảnh, công cụ hợp lý nhất cho việc truyền đạt kiến thức. Trong quá trình soạn và chuẩn bị bài giảng cần khu biệt hóa kiến thức cho từng đối tượng, lựa chọn và đưa ra những cách thức truyền tải tối ưu nhất, ngắn gọn, xúc tích nhất để đem đến cho người học những thông tin hấp dẫn, dễ hiểu làm cho việc tiếp thu kiến thức trở nên đơn giản hơn, thú vị hơn. Trong thời đại mới, chúng ta có vô số công cụ hỗ trợ cho việc truyền đạt thông tin, nếu biết phát huy những tiện ích đó sẽ tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ nhất đối với tư duy của người học. Bên cạnh đó cần hết sức chú ý đến yếu tố đại chúng trong cách truyền đạt, phải làm sao cho tất cả sinh viên đều hiểu được những nội dung thông tin mà người dạy đang truyền đạt. Những hoạt động trên cần được thực hiện đồng bộ mới có thể xây dựng được một phong cách truyền đạt hiệu quả.

Đối với sinh viên, những người tiếp thu kiến thức trong quá trình giảng dạy, đồng thời cũng có thể là những người truyền đạt thông tin.

Trên thực tế, sinh viên không chỉ là người học mà họ hoàn toàn có thể là những người truyền đạt thông tin cho nhau. Việc sinh viên có thể tự truyền đạt kiến thức cho nhau một cách hiệu quả cho thấy sự thành công của việc dạy và học. Chính những bạn sinh viên khi truyền đạt kiến thức và những thông tin khoa học cho nhau lại có hiệu quả rất tốt vì họ có sự gần gũi, thấu hiểu và đồng cảm hơn tất cả những giảng viên. Cần phát huy những hoạt động trao đổi kiến thức giữa sinh viên với nhau, vì tất cả những yếu tố tạo nên sự thành công trong phong cách truyền đạt hiệu quả đều có ở sinh viên: tình cảm sinh viên với nhau, môi trường sống và học tập gần gũi, có ngôn ngữ truyền đạt riêng của giới trẻ,…Như vậy, để nâng cao hiệu quả truyền đạt kiến thức trong công tác giảng dạy chúng ta có thể phát huy cùng một lúc năng lực của cả 2 đối tượng, người dạy và người học.

Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một cuộc vận động lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với nhiều nội dung phong phú và thiết thực, cần phải được đẩy mạnh sâu rộng hơn nữa. Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta. Phong cách của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.Việc học tập và rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh, không chỉ là vấn đề mang tính chất lý luận mà còn là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn vô cùng sâu sắc trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2006
  2. Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tuyển chọn một số bài viết và nói chuyện), nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2004.
  3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, 5, 6, 7, nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội. 2009.
  4. Triệu Hiển, Việt Hồng, Mãi mãi đi theo con đường của Bác Hồ, nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn