Giới thiệu chung về Bộ môn Lý luận Chính trị

THÔNG TIN VỀ BỘ MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

A. Giới thiệu chung

 - Tên tiếng Việt: Bộ môn Lý luận Chính trị

- Tên tiếng Anh: Department of Political Therory

- Tên viết tắt: DPT

- Địa chỉ: Khu làm việc của GV, nhà A5

- Điện thoại: 0280.3647766

Bộ môn Lý luận Chính trị được thành lập cùng với sự ra đời của Khoa Khoa học cơ bản vào tháng 5 năm 2006. Đến tháng 9 năm 2013, Bộ môn được nâng cấp, tách ra khỏi khoa KHCB thành Bộ môn trực thuộc Trường theo Quyết định số: 1145/QĐ-ĐHTN, của Giám đốc ĐHTN ký ngày 12 tháng 9 năm 2013.

Bộ môn Lý luận chính trị là đơn vị chuyên môn của trường dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng. Bộ môn có chức năng thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Lý luận chính trị và các lĩnh vực liên quan; trực tiếp quản lí cán bộ, giảng viên của đơn vị nhằm đảm bảo công tác chuyên môn của bộ môn, của trường; tham gia công tác giáo dục chính trị, đạo đức, tư tưởng... và rèn luyện sinh viên.

Bộ môn có nhiệm vụ nghiên cứu hoa học và giảng dạy các môn Lý luận Chính trị: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và môn Xã hội học, Pháp luật đại cương… cho sinh viên toàn trường. Bên cạnh đó, bộ môn còn tham gia giảng dạy môn Triết học cho hệ sau Đại học trong và ngoài trường.

Như vậy, vai trò, vị trí của bộ môn là: đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Lý luận chính trị và các lĩnh vực liên quan; trang bị cho sinh viên, học viên những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, từ đó xây dựng cho sinh viên thế giới quan, nhân sinh quan khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, niềm tin vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

1. Nhiệm vụ chính

Giảng dạy các môn Lý luận Chính trị cho sinh viên toàn trường. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ giảng viên còn tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, công tác quản lý sinh viên và các công tác đoàn thể khác.

2. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ giảng viên

Về cơ cấu tổ chức quản lý của Bộ môn Lý luận Chính trị hiện nay bao gồm: Chi bộ Bộ môn, Ban chủ nhiệm Bộ môn, tổ chức Công đoàn Bộ môn, tổ chức Liên chi Đoàn, Liên chi hội Sinh viên, 3 tổ chuyên môn trực thuộc (Tổ chuyên môn Những Nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tổ chuyên môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổ chuyên môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam) và bộ phận Văn phòng Bộ môn. Ngoài ra Bộ môn còn có Hội đồng Khoa học và Đào tạo; các trợ lý Đào tạo, Khoa học và Quản lý sinh viên. 

            Về tổ chức cán bộ, Bộ môn Lý luận Chính trị hiện nay có tổng số giảng viên và CBVC là 20 cán bộ, bao gồm: 17 giảng viên cơ hữu, 02 giảng viên kiêm nhiệm và 01 cán bộ văn phòng; về trình độ giảng viên: 01 tiễn sĩ, 14 thạc sỹ (trong đó có 03 NCS), 4 học viên cao học, 01 cử nhân.

3. Các tổ chuyên môn và các học phần đảm nhiệm

- Tổ chuyên môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin: Giảng dạy Học phần  Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, học phần 1, 2;  Học phần Triết học dành cho học viên cao học.

- Tổ chuyên môn Tư tưởng Hồ Chí Minh: Giảng dạy Học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh

- Tổ chuyên môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam: Giảng dạy Học phần Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam

- Ngoài ra, Bộ môn còn tham gia giảng dạy Học phần Xã hội học, Pháp luật Đại cương cho sinh viên toàn trường.

B. Hướng nghiên cứu
           Bộ môn phát triển khoa học theo hướng nghiên cứu cả về mặt lý luận và mặt thực tiễn những vấn đề cơ bản phục vụ công tác giảng dạy sau:

          - Nghiên cứu các tác phẩm kinh điển, những vấn đề mang tính lý luận và vấn đề mang tính thực tiễn diễn ra trong cuộc sống thuộc mảng kiến thức: Triết học, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học nhằm phục vụ công tác giảng dạy và học tập môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin.

            - Nghiên cứu tác phẩm kinh điển, lý luận và thực tiễn về Tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đạo đức Hồ Chí Minh...để học tập và làm tốt theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 - Nghiên cứu các tác phẩm, văn kiện Đại hội Đảng, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước... nhằm giảng dạy tốt học phần Đường lối  cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam

 - Nghiên cứu các tác phẩm, lý luận và thực tiễn cuộc sống liên quan đến môn Xã hội học

- Nghiên cứu các tác phẩm, lý luận và thực tiễn cuộc sống liên quan đến Luật pháp, phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục và giảng dạy môn Pháp luật đại cương...

C. Chiến lược phát triển của Bộ môn

Chiến lược phát triển của Bộ môn trong các năm tiếp theo là:

- Nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên thông qua các bài giảng trên lớp cũng như các hoạt động ngoại khoá khác.

- Nâng cao chất lượng (chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng...) của đội ngũ cán bộ giảng viên. Cụ thể: phấn đấu đến năm 2016 phổ cập thạc sỹ; 2017 có thêm 3 tiến sĩ và 2020 có thêm 2 tiến sĩ.

- Phấn đấu phát triển mọi mặt,  mở ngành đào tạo cử nhân để nâng cấp Bộ môn thành Khoa Lý luận Chính trị.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn